Hiểu được những đặc điểm của bé ngay từ những tháng đầu đời sẽ giúp cha mẹ chăm sóc bé được tốt hơn.
Con cái là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của mỗi gia đình. Ngay từ tuổi thơ ấu con cái cần được chăm sóc đặc biệt bởi con dễ bị bệnh hơn những trẻ lớn hơn. Cha mẹ cần nhận thức được sự phát triển của con để chăm sóc con được tốt hơn.
Mặc dù chưa có nhiều nhận thức, nhưng ngay từ khi mới 1 tháng tuổi, bé đã có những phản xạ của riêng mình. Các bậc cha mẹ hãy cùng tham khảo nhé:
Da của bé
Đừng hốt hoảng khi bạn thấy da con có màu sắc lạ. Có bé da ửng đỏ, có bé thì màu hồng sáng và có thể có những vết bợt trên da gọi là gây.
Rốn của bé
Sau khi bé chào đời, dây rốn được cắt ở vị trí cách bụng bé khoảng 2,5 cm và bôi thuốc sát khuẩn. Cha mẹ hãy nhớ giữ cho cuống rốn bé luôn sạch sẽ và khô ráo để tránh nhiễm trùng nhé. Cuống rốn thường rụng trong vòng 10-15 ngày tùy từng trẻ.
Bé ăn
Trong hai hoặc ba ngày đầu tiên sau khi sinh, hầu hết các em bé có vẻ khá "buồn ngủ" và không cần được cho bú thường xuyên. Nhưng sau tuần đầu tiên, bé sẽ tự tạo cho mình thói quen cứ 2-3 giờ lại ăn một lần và có thể ngủ 3-4 giờ giữa những cữ bú đêm. Trong thời gian này, cho ăn là việc làm duy nhất giải quyết những khó chịu của bé hoặc khi bé khóc. Dù mới trong tháng, nhưng nếu có cơ hội để tay tiếp xúc với miệng, bé sẽ không ngần ngại mút tay.
Bé ngủ
Thông thường khi chưa đầy tháng, bé ngủ từ 17-20 giờ mỗi ngày, thường chia thành 7-8 giấc ngủ ngắn trong vòng 24 giờ và không có thời gian biểu cụ thể. Trong tháng, nhiều bé ngủ với tư thế cuộn tròn, tay nắm chặt như thể đang nằm trong bụng mẹ.
Bé bài tiết
Trung bình trẻ sơ sinh tiểu tiện từ 10-15 lần/ngày và đại tiện khá thường xuyên – ít nhất là 5 lần/ngày trong tuần đầu tiên sau khi sinh.
Bé khóc
Khi được 2-3 tuần tuổi, có thể bé sẽ khóc quấy vài giờ vào buổi tối. Trong thời gian này, cách tốt nhất để dỗ bé nín là cho bé ăn.
Khả năng tập trung của bé
Trong tháng đầu đời, trẻ sơ sinh có thể tập trung vào các đối tượng có kích thước lớn. Vào cuối tháng đầu tiên, hầu hết các bé có thể tập trung sự chú ý vào các đồ vật cách bé khoảng 20-30cm nhưng chỉ trong thời gian ngắn. Phần lớn các bé thích nhìn ngắm khuôn mặt và những đường nét trên khuôn mặt của cha mẹ. Điều này lý giải vì sao, trong lúc bạn cho bé bú; thỉnh thoảng, bé lại ngừng ti và nhìn chằm chằm vào khuôn mặt của mẹ.
Bé biết lắng nghe
Nếu quan sát bé chăm chú, các mẹ sẽ thấy bé có phản ứng với âm thanh, ví dụ như bé có ý định quay đầu về phía âm thanh hoặc giọng nói đột ngột vang lên trong phòng. Trẻ sơ sinh cũng có thể phát ra những tiếng ậm ẹ hoặc tiếng cười từ rất sớm. Nếu người lớn tạo ra tiếng động như hát hoặc nói chuyện với bé thì bé cũng rất thích nghe. Và vào cuối tháng đầu tiên, hầu hết các em bé sẽ nhận ra những âm thanh quen thuộc, ví dụ như giọng nói của cha mẹ.
Bé cười
Khi thấy bé cười trong lúc đang ngủ, cha mẹ đừng quá ngạc nhiên. Vào cuối tháng đầu tiên, thậm chí bé còn biết cười với bố mẹ khi được bố mẹ kích thích hoặc chuyện trò.
Bé vận động
Dù còn rất nhỏ nhưng bé đã biết kiểm soát các vận động của mình, ví dụ như khua tay lên không trung, ngọ nguậy đầu, không ngừng lăn sang bên khi nằm ngửa và khua chân lung tung.
Nguồn: afamily