-->
Hiển thị các bài đăng có nhãn trẻ 1 -3 tuổi. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn trẻ 1 -3 tuổi. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Tư, 2 tháng 10, 2013

Bé yêu của bạn đang bước vào giai đoạn 1-3 tuổi. Đây là giai đoạn chuyển tiếp từ chế độ ăn dành riêng cho bé sang ăn các thức ăn cùng gia đình.


Làm thế nào để bé hay ăn, chóng lớn, thông minh, phát triển tối đa về tầm vóc và trí tuệ? Những kiến thức sau có thể giúp bạn:

Nhu cầu năng lượng mỗi ngày

Từ 1 - 3 tuổi, trẻ cần khoảng 110kcal/kg cân nặng, tức khoảng 1.180kcal/ngày. Trong đó, nhu cầu năng lượng do các chất protein cung cấp khoảng 15% (ít nhất 60% protein từ động vật), do lipid cung cấp khoảng 35-40% (khoảng 70% lipid từ động vật), còn lại là nhu cầu glucid. Năng lượng của các loại thức ăn ước tính như sau: 1g đường (glicid), 1g chất đạm (protein) cho 4 kcal, 1g chất béo (lipid) cho 9 kcal.

Dinh dưỡng cho trẻ từ 1-3 tuổi


Cho bé ăn như thế nào

Mỗi ngày, bạn có thể cho bé ăn 3-4 bữa chính, có thể là cháo hoặc súp, trẻ từ sau 18 tháng có thể tập ăn cơm mềm, nhưng phải đủ 4 nhóm chất dinh dưỡng như trên. Khẩu phần ăn của bé mỗi ngày ước tính khoảng 100-140g gạo hoặc ngũ cốc, 80-120g thịt, cá, trứng, đậu hũ..., 20ml dầu ăn; rau và hoa quả theo nhu cầu của bé, ít nhất 100-200g các loại rau xanh và 100-200g các loại quả chín, để đảm bảo nhu cầu năng nượng và cân đối các thành phần dinh dưỡng giúp tiêu hóa, hấp thu tối đa dưỡng chất.

Đặc biệt, ở lứa tuổi này, nguồn cung cấp năng lượng từ sữa rất quan trọng , mỗi ngày bạn nên cho bé uống khoảng 600-800ml sữa. Nếu bé không bú mẹ, bé cần được bổ sung ít nhất 600ml sữa/ ngày vào các bữa phụ.

Cách chế biến thức ăn

Bạn có thể nấu một nồi cháo trắng nhừ, mỗi bữa múc một bát vào xoong con rồi cho thêm thịt, cá trứng, tôm, gan, đậu hũ... tùy ý, cho thêm rau xanh và dầu mỡ như nấu bột nhưng với số lượng nhiều hơn (1 muỗng canh dầu ăn/ 1 bát cháo).

Bạn cũng có thể nấu các món súp bổ dưỡng cho bé với sự kết hợp đầy đủ các nhóm chất dinh dưỡng trong một tô súp, phối hợp các loại thực phẩm tạo màu sắc cho món ăn để hấp dẫn bé như súp đậu xanh - bí đỏ - thịt, súp trứng - thịt - tôm - cà rốt, súp thịt bò - cà chua, súp củ cải - nấm hương - đậu Hà Lan...

Bé đã tập ăn cơm mềm, bạn cần nấu cơm thật mềm hoặc tán nhỏ cơm cho bé dễ ăn, thức ăn cho bé cũng có các món thịt cá, món xào và canh như người lớn nhưng thịt cá, rau cần được băm nhỏ cho bé dễ nhai, dễ nuốt.

Cần hạn chế muối trong thức ăn của bé, không quá 1 muỗng cafe muối/ ngày. Nên thay đổi món ăn thường xuyên để tạo sự ngon miệng, hấp dẫn bé, đồng thời giúp cân bằng về dinh dưỡng và đảm bảo tỷ lệ các loại protein động/ thực vật. lipid động/ thực vật theo nhu cầu của bé. Tập dần cho bé ngồi ăn cùng gia đình để cảm nhận không khí ấm cúng, yêu thương, bé sẽ ăn ngon miệng hơn.

Bạn hãy quan tâm đúng mức chế độ ăn của bé đảm bảo đủ nhu cầu. Việc cho bé ăn thừa hoặc thiếu so với nhu cầu đều không tốt bởi bé có thể thừa cân, béo phì hoặc suy dinh dưỡng.

BS CK1 Trần Thị Minh Nguyệt
Thành viên HĐQT Công ty NutiFood