-->
Hiển thị các bài đăng có nhãn dinh dưỡng cho trẻ. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn dinh dưỡng cho trẻ. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Hai, 7 tháng 10, 2013

Làm cha mẹ ai cũng mong muốn có đứa con thông minh và khỏe mạnh. Vậy trí thông minh do những yếu tố nào quyết định? Thực sự có những loại thực phẩm nào ăn vào để phát triển sự thông minh của trẻ hay không? 

Sự phát triển trí thông minh ở trẻ phụ thuộc vào 3 yếu tố: 

- Do di truyền (do gen) 

- Do chế độ dinh dưỡng 

- Do sự rèn luyện, học tập, môi trường sống Như vậy thực sự không thể có một loại thực phẩm nào có thể làm trẻ thông minh, mà các chất dinh dưỡng chỉ có tác dụng hỗ trợ để phát huy những tiềm năng di truyền về gen thông minh đã sẵn có. Ngoài ra sự giáo dục, rèn luyện học tập cũng có tác dụng hỗ trợ cho trí thông minh phát triển. 

Tuy nhiên nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng một số chất dinh dưỡng nếu bị thiếu hụt cũng ảnh hưởng đến sự phát triển trí não ở trẻ em đó là:

Dinh dưỡng phát triển trí não trẻ em

1. Chất đạm (protein): Protein là vật liệu xây dựng nên các tế bào mô, cơ quan, cung cấp các nguyên liệu cần thiết cho sự hình thành các dịch tiêu hóa, các nội tiết tố, các men và các vitamin. Khi thiếu chất đạm sẽ ảnh hưởng sự phát triển của cơ thể nói chung và não bộ nói riêng.

2. Iốt: Khi trong thực phẩm thiếu iốt thì không những lượng iốt di chuyển qua nhau thai của người mẹ sang bào thai sẽ không đủ để đáp ứng sự phát triển não bộ tối ưu, mà nguy cơ hàm lượng iốt trong sữa mẹ cũng sẽ rất thiếu dẫn đến suy giảm sự phát triển não bộ và dẫn đến bệnh đần độn do thiểu năng tuyến giáp.

3. Sắt: Sắt là thành phần của huyết sắc tố myoglobin, các xitrocrom và nhiều engym khác. Sắt vận chuyển oxy và giữ vai trò quan trọng trong hô hấp tế bào. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh thiếu sắt đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển não bộ trong thời thơ ấu. Trẻ bị thiếu máu thiếu sắt có chỉ số phát triển tâm thần và vận động thấp hơn trẻ cùng trang lứa cùng môi trường sống. Khi trẻ đã lớn thiếu máu thiếu sắt cũng ảnh hưởng đến sự phát triển trí nhớ và ảnh hưởng đến kết quả học tập do ngủ gật trong giờ học và thiếu oxy não.

4. Các axit béo không no chuỗi dài: Thành phần của não bộ có đến 60% là chất béo. Trong đó DHA (Docosahexaenoic Acid) và ARA (Arachidonic Acid) là các thành phần lipid chính của não. Trong thời gian có thai người mẹ huy động DHA và ARA để hỗ trợ cho sự phát triển não bộ thai nhi. Người mẹ tiếp tục cung cấp hai dưỡng chất quan trọng này qua nguồn sữa của mình nên nuôi con bằng sữa mẹ làm tăng chỉ số thông minh của trẻ. Trẻ được bú sữa mẹ có chỉ số thông minh (IQ) cao hơn trẻ bú bình từ 3 - 5 điểm. 

Ngoài 4 chất dinh dưỡng kể trên còn nhiều các vi chất dinh dưỡng khác như: kẽm, magiê, đồng, crom, selen…cũng rất quan trọng cho sự phát triển cơ thể của trẻ cũng như não bộ. Vậy muốn con thông minh, các bà mẹ cần phải làm gì? Trước và trong thời kỳ mang thai, thời gian cho con bú người mẹ phải ăn uống đầy đủ các dưỡng chất quan trọng để phát triển tốt não đó là: chất đạm, iốt, sắt, axit folic, các axit béo chưa no (DHA, ARA) có trong các loại thực phẩm như thịt, cá, tôm, cua, trứng, sữa, rau xanh và quả chín. Người mẹ nên ăn nhiều cá nhất là các loại cá biển có chứa nhiều axit béo chưa no (DHA, ARA), uống thêm dầu gan cá, ăn các loại dầu thực vật (dầu đậu nành, dầu oliu…) cũng cung cấp các tiền DHAvà ARA, đó là các anpha linolenic, axit linoleic…khi vào trong cơ thể sẽ được tổng hợp thành DHA và ARA. Nhiều nghiên cứu đã được chứng minh khi có thai bà mẹ ăn cá thường xuyên > 5 lần/tuần sinh ra con có chỉ số IQ cao hơn 8 điểm so với các bà mẹ không ăn cá trong thời kỳ mang thai. Tiếp tục 2 năm cho con bú nếu bà mẹ thường xuyên ăn cá, dầu thực vật thì nguồn DHA và ARA trong sữa cao giúp cho sự phát triển thị lực và trí não của trẻ. 

Trong giai đoạn quan trọng của 2 năm đầu đời, thời kỳ ăn dặm (từ 7 tháng - 3 tuổi): Trẻ cần được ăn đầy đủ các chất dinh dưỡng để cung cấp chất đạm, chất sắt, qua nguồn thức ăn động vật như thịt, cá, trứng, sữa, ăn muối, nước mắm có bổ sung iốt. Các axit béo không no từ dầu ăn, dầu gan cá, cá biển, các loại vitamin và muối khoáng khác từ nguồn rau xanh và quả chín, uống các loại sữa có bổ sung DHA, ARA, Iốt, sắt, taurin và các vi chất dinh dưỡng khác. 

Như vậy muốn có đứa con thông minh, khỏe mạnh các bà mẹ phải chuẩn bị từ trước khi mang thai 1 - 3 tháng. Ăn uống đầy đủ khi mang thai, nuôi con bằng sữa mẹ, cho trẻ ăn bổ sung đầy đủ và hợp lý thì trẻ sẽ phát triển tốt về thể lực và trí não, kết hợp với việc giáo dục và môi trường sống tốt chúng ta sẽ có những trẻ em thông minh và khỏe mạnh, trở thành nguồn nhân tài cho đất nước mai sau.
Nguồn: viendinhduong

Thứ Ba, 24 tháng 9, 2013

Cùng tìm hiểu những giá trị dinh duỡng mà cá mang lại và một số lưu ý nhỏ khi cho bé ăn cá nhé!
Lợi ích tuyệt vời khi cho bé ăn cá

Giúp bé thông minh hơn: DHA có trong cá không chỉ giúp phát triển não bộ mà còn thúc đẩy phát triển tế bào não, kích thích sự mở rộng các dây thần kinh sọ não, giúp trẻ tăng khả năng tư duy, nhận thức. Nhiều nghiên cứu cho thấy, những trẻ em thường xuyên ăn cá sẽ có chỉ số IQ cao hơn so với những người ăn thịt do trong cá chứa rất nhiều DHA. 

Tăng cường tập trung: Một nghiên cứu khác cho thấy trẻ có mẹ có nồng độ DHA trong máu cao hơn lúc mang thai sẽ có khả năng tập trung tốt hơn so với đứa trẻ có mẹ có nồng độ DHA thấp hơn.

Cải thiện thị lực: DHA giúp hỗ trợ máu lưu thông qua võng mạc, do đó nó giúp tăng thị lực, làm sắc nét tầm nhìn ở trẻ sơ sinh.

Thúc đẩy tâm trạng: Nghiên cứu cho thấy người tiêu thụ nhiều omega 3 từ cá trong thời gian mang thai có tỷ lệ rối loạn tâm trạng, trầm cảm ít hơn. Bởi omega 3 hoạt động trong não bộ để nâng cao hormone như dopamine và serotonin, dẫn truyền thần kinh trong não tương tự như chức năng của 1 số loại thuốc điều trị chứng trầm cảm.

Nâng cao miễn dịch: Các axit béo phong phú có trong cá cũng có khả năng cải thiện, nâng cao hệ miễn dịch. Đồng thời omega 3 và vitamin D có trong cá sẽ giúp hệ xuơng của bé phát triển chắc khoẻ.

Ngăn ngừa bệnh chàm: Omega 3 có thể giúp giảm viêm trong tất cả các phần của cơ thể, bao gồm cả da. Bổ sung cá vào thực đơn của bé trước 9 tháng tuổi sẽ giúp bé bảo vệ khỏi các tình trạng da bị dị ứng, theo một nghiên cứu của Thuỵ Điển.

Những điều mẹ cần lưu ý khi cho bé ăn cá
Cá hồi rất tốt cho sự phát triển trí não của bé. (Ảnh minh họa)

Những lưu ý khi cho bé ăn cá

Cá là thực phẩm chứa DHA vô cùng phong phú, ngay từ khi trẻ còn nhỏ, người lớn hãy cho con ăn nhiều cá hoặc dầu cá cũng rất tốt. Để trẻ dễ ăn, bạn có thể xay nhuyễn hoặc nghiền nhỏ cá khi bé đuợc tròn 7 tháng.

Bạn cũng nên lưu ý, có một số loại cá cũng rất giàu omega 3 nhưng lại có hàm lượng thuỷ ngân cao như cá ngừ trắng, cá nhám, cá kiếm… đây là loại chất gây hại hệ thần kinh, cản trở việc hình thành não. Cá hồi là một gợi ý tuyệt vời cho bạn bởi đây là loại cá có hàm lượng thuỷ ngân cực thấp, không gây hại cho trẻ, đặc biệt cá hồi là loại cá giàu omega 3 và DHA nhất trong các loại cá. Trong mỡ cá hồi có chứa lượng lớn omega, axit béo, DHA và EPA; DHA và EPA là 2 duỡng chất cần thiết cho sự phát triển của bộ não

Một số trẻ nhỏ do cơ địa nên dễ dị ứng với các loại hải sản, vì thế với những bé này khi ngoài 2 tuổi, bạn mới có thể bắt đầu bổ sung cho bé các loại thực phẩm từ cá, một cách dần dần để thích nghi.

Nhiều cha mẹ thắc mắc, trẻ em cần bao nhiêu DHA mỗi ngày? Theo các nghiên cứu, mỗi trẻ em cần khoảng 300mg DHA mỗi ngày, hơn nửa số đó bé có thể nhận đuợc từ việc thuờng xuyên bú sữa mẹ hoặc sữa công thức tăng cuờng DHA. Cá cũng là loại thực phẩm tự nhiên có nguồn DHA rất dồi dào mà bạn nên bổ sung vào thực đơn hàng ngày cho bé.
Nguồn: afamily
Trong quá trình thăm khám dinh dưỡng, bác sĩ Lê Thị Hải gặp rất nhiều thắc mắc của các mẹ về cách cho bé ăn phô mai và bơ. Vậy cho bé ăn phô mai thế nào là đúng nhất?
1. Giá trị dinh dưỡng của phô mai, bơ

- Trước hết, các mẹ nên biết rằng cả bơ và phô mai đều là những sản phẩm được làm từ sữa.

- Bơ không có chất đạm và hàm lượng chất béo rất cao (83,5%), được xếp vào nhóm thực phẩm giàu chất béo. Còn phô mai có hàm lượng chất đạm rất cao (25,5%) và được xếp vào nhóm thực phẩm giàu chất đạm.

- Phô mai giàu canxi hơn bơ rất nhiều lần: 100 gram phômai có 760mg canxi, trong khi đó 100 gram bơ chỉ có 12mg canxi mà thôi. 

Giá trị dinh dưỡng của phô mai, bơ
Phô mai có hàm lượng chất đạm rất cao nên khi kết hợp với cháo mẹ nên bớt chút thịt/ cá/ tôm đi một ít để tránh thừa đạm. (Ảnh minh họa)

2. Độ tuổi nên cho bé ăn phô mai

Có khá nhiều quan điểm khác nhau về thời điểm nên cho bé làm quen với phô mai, bơ. Các chuyên gia dinh dưỡng ở Anh thì cho rằng, khoảng 6 tháng tuổi là bé có thể ăn được phô mai, bơ. Nhưng một số chuyên gia ở Mỹ lại gợi ý, cha mẹ chỉ nên cho bé làm quen với món ăn này khi bé được khoảng 8 tháng tuổi. Ngoài ra, một số ít cho rằng, do phô mai, bơ thuộc nhóm sản phẩm từ sữa bò nên chỉ an toàn cho bé 1 tuổi trở lên vì khả năng gây dị ứng cho nhóm bé có cơ địa mẫn cảm với sữa bò.

Vì vậy, bác sĩ Hải khuyên các mẹ có thể cho bé sử dụng phô mai, bơ từ khi bé bắt đầu bước vào tuổi ăn dặm (tức là 6 tháng tuổi) nhưng nên cho bé ăn từ từ từng ít một và thăm dò phản ứng của con, nếu thấy bé xuất hiện dấu hiệu lạ khi ăn phô mai, cha mẹ cần tạm ngưng ngay và hỏi ý kiến bác sĩ.

3. Có thể dùng bơ hoặc phô mai thay cho sữa, thịt, cá để nấu bột/ cháo cho bé được không?

Bác sĩ Lê Thị Hải (Viện Dinh dưỡng Quốc gia) cho biết: "Trong dinh dưỡng có một nguyên tắc là chỉ những thực phẩm trong cùng một nhóm mới có thể thay thế được cho nhau mà thôi. Vì vậy, phô mai có hàm lượng đạm cao nên có thể thay cho thịt, cá, trứng, sữa.. (vì cùng nhóm giàu đạm) nhưng bơ thì không. Bơ chỉ được dùng để thay thế cho dầu ăn hoặc mỡ (vì cùng nhóm giàu chất béo)".

Tuy nhiên, bác sĩ Hải khuyến cáo các mẹ không nên vì thế mà lạm dụng phô mai vì cho bé ăn nguyên phô mai sẽ không cân đối hàm lượng dinh dưỡng. Trong phô mai chỉ có đạm, carbohydrate, chất béo, canxi chứ không có đầy đủ các vitamin, khoáng chất cần thiết cho cơ thể, vì thế chỉ nên cho con ăn phô mai như một bữa phụ, hoặc kết hợp với các sản phẩm khác như bánh mì, trộn vào bột, cháo…

Bơ rất giàu chất béo nên nếu cho bơ vào cháo mẹ nên bớt chút dầu/ mỡ ăn
Bơ rất giàu chất béo nên nếu cho bơ vào cháo mẹ nên bớt chút dầu/ mỡ ăn. (Ảnh minh họa)

4. Những lưu ý mẹ cần biết khi cho bé ăn phô mai, bơ

- Tất cả các loại phô mai đều có nguồn gốc từ sữa, vì vậy nếu bé nhà bạn có tiền sử dị ứng sữa do bất dung nạp đường lactose thì mẹ nên chú trọng bổ sung phô mai vào chế độ dinh dưỡng của con.

- Để cân đối dinh dưỡng cho bé, mẹ cần biết một điều là khi kết hợp phô mai với cháo thì cần bớt đi một chút thịt/ cá/ tôm... tránh trường hợp bị thừa đạm. Bởi vì một bát cháo nấu đúng như tính toán dinh dưỡng theo độ tuổi đã cung cấp đủ nhu cầu năng lượng, chất béo, khoáng chất cho trẻ, nếu trộn thêm phô mai, tức là bát cháo đã được cộng thêm phần năng lượng, chất đạm, béo chứ không riêng gì canxi.

- Vì trong phô mai có cả chất béo vì thế các mẹ cũng nên bớt đi chút dầu/ mỡ ăn trong bát cháo của con.

- Không nên chỉ sử dụng phô mai làm nguồn cung cấp canxi cho cơ thể bé, mẹ có thể chọn các loại thực phẩm giàu canxi khác như cua đồng, tôm đồng…

- Mẹ không nên kết hợp phô mai với các thực phẩm như: như cua, lươn, rau mồng tơi, rau dền... vì sẽ khiến bé dễ bị đau bụng. Mẹ hãy chọn những thực phẩm phù hợp với vị phô mai như khoai tây, cà rốt, thịt bò, gà, tôm...

- Lúc nào bé không chịu ăn thịt, cá hoặc khi mẹ quá bận không thể chuẩn bị một bữa ăn cầu kỳ cho bé thì có thể nấu nhanh món cháo với phô mai, bơ theo hướng dẫn sau của bác sĩ Hải:

Nguyên liệu: bột/ cháo tùy lượng ăn của trẻ theo lứa tuổi; một miếng phô mai (15g); 20g bí đỏ; 5g dầu ăn hoặc bơ.

Cách nấu: Bí đỏ luộc chín, tán nhuyễn hoặc cắt miếng nhỏ vừa ăn. Nấu chung bí với bột/ cháo cho đến khi chín. Bắc xuống để cho bột nguội bớt (khoảng 2 phút), cho phô mai tán nhuyễn vào từ từ, cho thêm dầu ăn hoặc bơ vào trộn đều. Đổ bột ra bát. Để nguội bớt, cho bé ăn.

Với số lượng như trên, bát bột sẽ cung cấp: 170 Kalo; 5,2g chất đạm; 8,9g chất béo; 17,6g chất bột đường; 124mg canxi.
Nguồn: afamily

Thứ Hai, 9 tháng 9, 2013

Trẻ biếng ăn thường do cảm giác không ngon miệng hoặc không thích ăn. Lâu dài có thể dẫn đến còi xương, suy dinh dưỡng, trí tuệ chậm phát triển, tiêu chảy hoặc táo bón, dễ mắc bệnh tật, ốm đau...
Do đó việc trẻ biếng ăn làm ảnh hưởng rất lớn đến bản thân trẻ, gia đình và toàn xã hội. Sau đây là một số chất cần thiết để bổ sung cho trẻ biếng ăn.

Lysine: Là một axit amin rất cần cho hoạt động sống của người và động vật mà cơ thể không tự tổng hợp được, phải lấy từ thức ăn. Nó là chìa khóa trong việc sản xuất các enzym, hoocmon và các kháng thể giúp cơ thể tăng cường sức đề kháng và chống trả với bệnh tật.

Lysine giúp trẻ ăn ngon miệng, gia tăng chuyển hóa hấp thu tối đa dinh dưỡng. Nó cũng giúp tăng cường hấp thu Canxi, ngăn cản sự bài tiết khoáng chất này ra ngoài cơ thể nên nó có tác dụng tăng cường chiều cao, ngăn ngừa bệnh còi xương, loãng xương. Lysine có nhiều trong trứng, thịt, cá, sữa đậu nành… nhưng dễ bị phá hủy khi chế biến, nấu thức ăn.

Cơ thể người và động vật nếu thiếu Lysine cơ thể sẽ khó hoạt động bình thường, đặc biệt ở động vật còn non và trẻ em sẽ xảy ra hiện tượng chậm lớn, trí tuệ phát triển kém, dễ thiếu men tiêu hóa và nội tiết tố. Chính vì thế lysine là một loại axit amin thường được cho vào khẩu phần thức ăn của trẻ.

Kẽm: Có vai trò rất quan trọng trong quá trình tổng hợp và phân giải acid nucleic và protein – là những thành phần quan trọng của sự sống, do đó các cơ quan như hệ tiêu hóa, hệ thần kinh trung ương, da và niêm mạc… rất nhạy cảm với sự thiếu hụt kẽm. Trẻ thiếu kẽm sẽ cảm thấy ăn không ngon miệng. Kẽm còn giúp tăng cường miễn dịch cho cơ thể do hoạt hóa tế bào Lympho (là lính canh bảo vệ cơ thể chống lại bệnh tật).

DHA và Taurin: 2 chất rất cần thiết cho sự phát triển của mắt và não. Thiếu hai chất này trẻ sẽ kém thông minh và không tinh mắt như các trẻ được sử dụng và bổ sung đầy đủ DHA và Taurin.

"Dưỡng chất vàng" cho trẻ biếng ăn

Canxi: Có vai trò quan trọng trong hệ thống miễn dịch, hệ thần kinh, hệ tuần hoàn đặc biệt là sự phát triển của xương. Trẻ em khi thiếu canxi: Xương nhỏ, yếu xương, chậm lớn, lùn, còi xương, xương biến dạng, răng không đều, răng dị hình, chất lượng răng kém, bị sâu răng. Nếu chế độ ăn uống hàng ngày bị thiếu canxi, dễ gây ra bệnh loãng xương, còi xương do lượng canxi trong xương phải chuyển một phần vào máu. Thiếu canxi thường có biểu hiện khóc đêm, đêm ngủ giật mình hay quấy khóc, dễ nổi cáu, rối loạn chức năng vận động, không tập trung tinh thần.

Chất xơ:

+ Chống táo bón: vì khi vào ruột chất xơ hút nhiều nước, tăng khối lượng của phân và kích thích nhu động ruột làm tăng co bóp để tống phân ra ngoài. Đại tiện đều đặn hàng ngày giúp cơ thể thải chất độc thường xuyên và tránh việc ngấm chất độc từ phân vào máu. Ở những người bị táo bón lâu ngày thường khó tính bẳn gắt do chất độc ứ đọng trong cơ thể gây ảnh hưởng tới hệ thần kinh.

+ Điều hòa hệ vi khuẩn đường ruột: Một số loại vi khuẩn sống tại ruột có khả năng phân giải và đồng hóa chất xơ. Chất xơ tạo điều kiện tốt nhất cho chức phận tổng hợp của vi khẩn có lợi tại ruột nên hỗ trợ sự phát triển vi khuẩn có lợi. Chất xơ có tác dụng điều hòa hệ vi khuẩn tại ruột nên tăng cường quá trình tiêu hóa hấp thu tại ruột.

Các Vitamin nhóm B (B1, B2, B3, B12): Giúp trẻ ăn ngon miệng, tăng cường hệ thống miễn dịch, tiêu hóa của trẻ, tăng khả năng cảm nhận ánh sáng của mắt.

Trên đây chính là những chất rất cần thiết phải bổ sung cho trẻ biếng ăn, giúp bé ăn ngon, tiêu hóa khỏe, thông minh, cao lớn và sức đề kháng tốt.
Nguồn: afamily

Thứ Năm, 29 tháng 8, 2013

Con tôi 23 tháng tuổi, nặng 10,2kg, cao 83cm. Cháu rất biếng ăn, vẫn ăn cháo hoặc cơm xay. Thời gian gần đây, cháu không lên cân, mỗi lần mọc răng lại sút cân. Xin bác sĩ tư vấn dinh dưỡng hợp lý cho cháu? (Trang Huyền, Đà Nẵng)

Mỗi ngày, con tôi ăn được 3 bữa, mỗi bữa trên lưng bát con, uống 300ml sữa, ăn một hộp sữa chua hoặc váng sữa. Mỗi lần, cháu ăn và uống sữa rất khó khăn. Răng cháu mọc rất chậm, hiện tại mới được 16 cái, răng hàm phải sốt đến lần thứ 3 mới nhú được một ít. Tôi rất lo lắng về tình trạng sức khỏe của cháu.
Trả lời:

Trẻ 23 tháng đạt trung bình chuẩn là 12kg và 87cm. Cháu nhà chị ở mức đe dọa suy dinh dưỡng về cân nặng và chiều cao. Bé chậm lên cân và chiều cao là do lượng ăn hằng ngày ít hơn mức yêu cầu. Cháu không đủ năng lượng để tăng cân, việc hay bị sốt nhiễm trùng tái phát cũng là nguyên nhân chính gây thấp còi và thiếu cân.

Bé chậm lên cân và chiều cao là do lượng ăn hằng ngày ít hơn mức yêu cầu
Bé chậm lên cân và chiều cao là do lượng ăn hằng ngày ít hơn mức yêu cầu. Ảnh minh họa.


Với trẻ xung quanh ngưỡng 2 tuổi, mẹ có thể tập cho ăn cơm nếu trẻ thích và ăn được mỗi bữa gần một bát cơm, trường hợp trẻ chưa sẵn sàng ăn cơm và vẫn chỉ ăn được cháo, súp thì vẫn nên duy trì như vậy để đảm bảo lượng ăn đủ cho trẻ. Đến bữa ăn gia đình, mẹ nên cho trẻ ngồi cùng mâm để bé tập ăn cơm. Khi 2 tuổi, trẻ thường đủ 10 răng, trường hợp mọc răng chậm, hay nhiễm khuẩn thì mẹ có thể tăng cường thêm canxi uống hằng ngày trong khoảng 10-15 ngày (nên theo đơn bác sĩ) và vitamin D nếu trẻ ít phơi nắng.

Tiến sĩ, bác sĩ Trương Hồng Sơn
Viện nghiên cứu Y - Xã hội học