Để cai sữa cho bé có rất nhiều cách, nhưng chọn thời điểm nào là thời điểm phù hợp để cai sữa cho bé? Những dấu hiệu sau sẽ giúp bạn biết khi nào nên cai sữa cho trẻ.
1. Bé có thể ngồi thẳng và lăn trái bóng ra trước, không cần sự trợ giúp bên ngoài.
Khi có thể làm được những động tác này, trẻ đã gần một tuổi. Hệ thần kinh và hệ vận động phát triển tương đối, trẻ cứng cáp, đã có khả năng tự đề kháng nếu thiếu sữa mẹ.
2. Bé nói được thêm hai đến ba từ ngoài ‘bố’, ‘mẹ′ hay đã có thể nói được một câu ngắn
Câu nói của bé lúc này chỉ bao gồm vài từ đơn giản nhưng có đầy đủ chủ ngữ, vị ngữ và đi thẳng vào vấn đề như: ‘Mẹ bế’, ‘Bố đi chơi’.
Thời điểm này, hệ thần kinh, thính giác trẻ phát triển. Đây cũng là giai đoạn trẻ muốn khẳng định sự hiện diện của mình bằng vốn từ ít ỏi.
Giai đoạn này, bạn cần bổ sung thêm nhiều thực phẩm mới để giúp thực đơn của bé thêm đa dạng. Lượng sữa ngoài bé cần bổ sung khi này khoảng 500-600ml/ngày.
3. Trẻ ăn được cháo và cơm nhão
Khi trẻ có khả năng nhai, nuốt nghĩa là hệ tiêu hóa đã phát triển. Lúc này trẻ đã được một tuổi rưỡi đến hai tuổi.
Bạn nên cho trẻ ngồi vào bàn ăn cùng với gia đình. Điều này rất có lợi trong việc phát triển trí tuệ của bé cũng như để thắt chặt thêm tình cảm trong gia đình.
4. Khi bé có thể nhận biết và có ấn tượng với màu sắc
Bằng cách thay đổi màu sắc đầu vú, bạn có thể cai sữa cho bé. Cách thức dân gian này chỉ hiệu quả khi bé bắt đầu phân biệt được màu sắc.
Khi không còn thấy màu sắc quen thuộc của núm vú, bé sẽ dần dần ngưng bú.
Bạn chỉ nên dùng những màu tự nhiên để “nhuộm” đầu vú. Chẳng hạn như dùng nghệ tạo màu vàng, củ dền để lấy màu đỏ.
5. Trẻ đã có thể leo lên, leo xuống cầu thang
Đạt đến mức độ này, trẻ đã gần hai tuổi hoặc hơn hai tuổi. Đây là độ tuổi được các bác sĩ dinh dưỡng cũng như bác sĩ nhi khoa khuyên nên cai sữa.
6. Trường hợp đặc biệt
Trong những trường hợp sau, trẻ cần được cai sữa ngay: mẹ mắc bệnh truyền nhiễm hay những bệnh lý liên quan đến bầu vú như nứt nẻ đầu vú.
Lưu ý:
Vẫn xin nhắc lại rằng không có thời điểm cố định để cai sữa cho bé, và chỉ nên cai sữa khi trẻ có thể trạng sức khỏe bình thường khỏe mạnh, thay vì mắc bệnh hay đang bị ốm.
Điều này sẽ làm cho tình trạng sức khỏe của bé sẽ càng tồi tệ hơn về sau và rất dễ gây nên hiện tượng biếng ăn, còi xương.
Cần chú tâm đặc biệt tới chế độ dinh dưỡng của trẻ khi cai sữa để trẻ không bị thiếu chất.
Cách tiến hành cai sữa
- Trang bị đủ kiến thức và kinh nghiệm nếu có trước khi cai sữa cho bé.
- Khi cai sữa nên bắt đầu từ từ thay vì quá đột ngột ngưng hẳn không cho trẻ bú. Điều này có nghĩa là các bà mẹ hãy chủ động rút ngắn thời gian và cường độ cho trẻ bú, để tránh những sang chấn bất lợi đối với tâm lý của trẻ sau này.
- Ví dụ trước đây mỗi ngày bạn cho bé bú khoảng từ 7 – 8 lần/ngày mỗi lần khoảng 5 phút thì nay hãy rút xuống còn 3 – 4 lần/ngày mỗi lần khoảng 3 phút, rồi từ từ cắt hẳn.
- Nếu đã bắt đầu ngưng không cho trẻ bú sữa, thì cần đồng thời kết hợp cho trẻ ăn ngoài bằng các loại sữa thay thế thông thường như sữa bột, sữa hộp, sữa đặc hay sữa bò (chỉ nên áp dụng phương pháp này sau khi trẻ đã lớn trên 1 tuổi).
- Khi cho bé ăn dặm cần chế biến những món ăn thật mềm, nhỏ như cháo loãng hay bột, vừa tốt cho tiêu hóa và sự phát triển răng của trẻ vừa loại trừ những nguy cơ bị hóc, nghẹn.
- Cho trẻ ăn thành nhiều bữa nhỏ trong ngày.
- Nên biết cách đa dạng các loại thực phẩm cho bé ăn. Để tạo cảm giác hứng thú khi ăn.