-->

Thứ Tư, 8 tháng 4, 2015

Có nhiều bà mẹ trẻ hiện đại gần đây muốn dạy con theo kiểu phương Tây bằng cách, khi con khóc cứ mặc kệ, không dỗ dành hay bế bé lên với ý nghĩ tập cho bé thói quen tự lập và không làm nũng. Các bà mẹ cho rằng để bé khóc vài lần sẽ quen và không đòi mẹ nữa.
Quan niệm này cũng không hẳn được tất cả các bà mẹ tán thành vì quá xót xa khi thấy con cứ khóc mãi rồi lịm đi chứ không nín. Vậy quan niệm nào là đúng? Dưới đây là câu trả lời của một website hàng đầu của Mỹ cho việc này. Theo họ, không nên để mặc kệ trẻ khóc vì các lý do sau.
Mẹ ơi hãy dỗ con nhé!
Hãy dỗ con mẹ nhé! Ảnh: Getty Images
Không có kết quả
Nhiều bậc cha mẹ chẳng dám thừa nhận rằng biện pháp này không có kết quả. Nếu bạn không bế bé lên, nhiều trẻ sẽ khóc cho đến khi mệt lả rồi ngủ thiếp đi, một số lại nức nở hàng giờ, nôn ói, lên cơn động kinh, nấc cụt và không ngủ được. Vậy là bạn phải đầu hàng.
Ngay cả khi bạn để trẻ khóc rồi tự ngủ mà không bế chúng trên tay, điều này cũng chỉ thực hiện được trong một thời gian ngắn. Lý do là trẻ con thường đau ốm vặt, bạn sẽ phải vỗ về chúng, thời gian ngắn ngủi ấy cũng đủ khiến trẻ quen nếp. Bạn sẽ phải tập cho trẻ khóc rồi tự ngủ trở lại. Điều này làm bạn căng thẳng, mệt mỏi và bé cũng căng thẳng mệt mỏi không kém.
Hại đến não của bé
Trẻ khóc để báo cho cha mẹ biết bé cần điều gì đó. Khi cha mẹ không phản hồi, đáp ứng lại tiếng khóc đó, bé sẽ phải chịu căng thẳng. Khoa học cho thấy việc trẻ sơ sinh khóc kéo dài làm tăng áp lực máu lên não, gia tăng hormone căng thẳng, giảm lượng oxy được cung cấp đến não khiến hệ thần kinh căng thẳng trở nên nhạy cảm quá mức. Điều đó khiến trẻ bị ám ảnh cảm giác bỏ rơi, sợ ở một mình. Khi lớn lên, trẻ có thể dễ bị kích động, hoảng loạn, hung hăng, bốc đồng và bạo lực.
Giảm sự phát triển trí não, cảm xúc và quan hệ xã hội
Theo các chuyên gia, khả năng người mẹ đáp ứng những đòi hỏi của con là quan trọng nhất đối với sự phát triển trí thông minh của trẻ.
Các nghiên cứu khác cho thấy, nếu cha mẹ bỏ mặc khi con khóc, bé sẽ không phát triển tốt các kỹ năng xã hội và trí não, chỉ số IQ của chúng sẽ thấp hơn mức trung bình. Ngoài ra, trẻ sẽ khó điều khiển cảm xúc và mất nhiều thời gian hơn để tự lập.
Như thế, theo các kết quả nghiên cứu trên, quan niệm để con khóc sẽ giúp trẻ sớm tự lập là không nên.
Bé sẽ cảm thấy bất an
Khi mẹ hay người trông trẻ thờ ơ trẻ sẽ cảm thấy bất an. Các nghiên cứu trong thời gian dài chứng minh những trẻ có cảm giác an toàn trong môi trường sống sẽ cởi mở, thân thiện, cảm thông, vị tha và dễ thích nghi khi lớn lên. Trái lại trẻ sẽ cảm thấy bất an, có xu hướng lo lắng, khó ổn định mối quan hệ, có thể dẫn đến chiếm hữu, ghen tuông hoặc bám chặt lấy ai đó hay không muốn kết giao.
Cha mẹ thường để trẻ khóc vì muốn trẻ tự lập. Song rất nghiều nghiên cứu cho thấy chính sự tiếp xúc thường xuyên, ủng hộ, đáp ứng ngay những yêu cầu khi thơ bé sẽ giúp trẻ trở thành những cá nhân tự tin và thân thiện.
Ảnh hưởng xấu đến tình cảm mẹ - con, cha – con
Một đứa trẻ bị bỏ mặc khi khóc sẽ thường ít nhờ vả cha mẹ khi chúng cần. Được chăm bẵm khi còn bé là một yêu cầu cơ bản nhất đối với một đứa trẻ. Do đó nếu khi còn bé trẻ thấy rằng không thể trông mong gì ở cha mẹ thì lúc lớn lên trẻ cũng sẽ nghĩ như thế.
Trong quá trình trưởng thành, nếu không biết tự giải quyết vấn đề, chúng sẽ không xin cha mẹ giúp đỡ và trẻ dễ vướng vào việc bắt nạt hoặc bị bắt nạt, nghiện ngập, mang thai khi còn vị thành niên, nghiện game, trốn học. Rõ ràng tự xoay sở giải quyết các vấn đề, mâu thuẫn khi chưa đủ sức có thể dẫn đến những hậu quả tiêu cực khó lường, kể cả tự tử vì vô vọng.
Trẻ em thật đáng quý và những yêu cầu của bé thật quan trọng phải không. Cách tốt nhất để nuôi con là hãy nâng niu con trẻ và làm theo giác quan của một người mẹ yêu con mách bảo.
Các tin khác

0 nhận xét :

Đăng nhận xét